Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Phá Quân Tý Ngọ Cách

PHÁ QUÂN Tí Ngọ cách.

NHẬN XÉT:
Vị trí nầy là vị trí xuất sắc của PHÁ QUÂN, gọi là PHÁ QUÂN Tí Ngọ. Hữu hợp có THẤT SÁT triều đẩu, Tả hợp có THAM LANG mộ cung cả 3 sao đứng vào vị trí hay nhất. Bên ngoài có bộ LIÊM TƯỚNG xung. Tuy có 3 sao nhưng bộ SÁT PHÁ THAM vững như kiềng 3 chân, so với bộ TỬ PHỦ VŨ TƯỚNG LIÊM  5 sao.


So sánh cách PHÁ QUÂN tại Tí và PHÁ QUÂN tại Ngọ:
PHÁ QUÂN cư Ngọ bố cục tốt hơn tại Tí, nhờ bộ NHẬT NGUYỆT sáng sủa tốt đẹp tại các cung Huynh, Điền, ảnh hưởng tốt đến cung Tật và Hạn hành dĩ nhiên thuận lợi. Ngọ cung bao giờ cũng hay Tý cung, hướng luôn luôn có ánh mặt trời.
LUẬN ĐOÁN CÁC CHI TIẾT SAU:
NGƯỜI QUÂN TỬ:
 «Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã vô mịch dã nghĩa chi dữ tỉ.» (Đức Khổng nói: Bậc quân tử làm việc cho đời, không có việc gì mà người có ý bỏ, hễ hạp nghĩa thì làm). Nói cách khác là gắn bó với lời hứa của mình. Từ đó PHÁ QUÂN là người bị gò bó vào một khuôn khổ nào đó.
LÃNH ĐẠO, CHỈ HUY, CẦM ĐẦU:
PHÁ QUÂN thuộc nhóm sao chỉ huy. Nhóm chỉ huy gồm:
TỬ VI: Chủ gánh vác, trách nhiệm, lãnh đạo.
PHÁ QUÂN: Cầm đầu.
CỰ MÔN: Chủ đầu đảng, đầu nậu...
PHÁ QUÂN là kẻ cầm đầu thuộc nhóm SÁT PHÁ THAM, so sánh với TỬ VI là kẻ lảnh đạo, bên cạnh PHÁ QUÂN luôn có THAM LANG tham gia, TỬ VI luôn có THIÊN TƯỚNG sẵn sàng tương trợ. CỰ MÔN đầu đảng nhóm CƠ ĐỒNG NHẬT NGUYỆT.
SỰ ÉP BUỘC:
ÉP là THẤT SÁT, BUỘC là PHÁ QUÂN. Tốt là ép buộc được người, xấu là bị ép  buộc bằng lời nói và bằng hành động hoặc những tai nạn liên quan đến lực ép.
“Ép chúng nó đi vào khuôn khổ”... Ép buộc thái quá lại bị phản lực... Đa phần chúng ta là kẻ bị áp bức, kẻ thường dân có ép buộc được ai đâu.
BẮT, GIẾT, SĂN LÙNG.
PHÁ QUÂN chủ bắt, thả THẤT SÁT chủ giết,tha. THAM LANG chủ săn lùng. Đây là 3 yếu tố quan trọng hình thành một số nghề nghiệp như chiến binh nói chung, thợ săn, ngư dân, liên quan đến 2 chữ đánh và bắt.
PHÁ QUÂN liên quan đến bắt và thả (tha). Tốt là được quyền bắt, được quyền thả. Xấu là bị bắt. Phức tạp là nay bắt người ngày mai lại bị bắt. Một ví dụ vô hại về bắt thả. “Bắt con vịt kia kìa làm thịt (giết là THẤT SÁT ) đãi khách, con này có bầu thả nó ra”
KHÁM PHÁ... đến KHÁM BỆNH:
KHÁM PHÁ, PHANH PHUI, VẠCH LÁ TÌM SÂU, KHÁM XÉT, LỤC SOÁT. THĂM DÒ KHÁM PHÁ...
Trên là các từ tuỳ trường hợp để xử dụng. Quan trọng là bị hay là được, có quan trọng không? Khám phá cái gì? Ví dụ: Khám phá một đường dây buôn lậu. Khám phá bí ẩn trong sách vở của người xưa để lại. Được gọi là tham khảo, tham cứu chắc chắn phải có XƯƠNG KHÚC.
Tốt là khám phá ra, khám xét tìm ra...thăm dò phát hiện ra, tìm hiểu ra điều gì đó. Được quyền thăm dò khám phá, được quyền ra lịnh thăm dò khám phá.
Xấu là bị khám phá, lục soát...hoặc đau ốm bị thăm khám. Đây là chuyện thường tình dễ gặp. Nếu đau ốm tất có HÌNH DIÊU Y, hoạt cảnh “hình như là”... “y như là”... bệnh... cúm. Cúm gì nhỉ, “y như là”... Nếu là bác sỹ có KHOA còn bệnh nhân thì không.
Phức tạp là hôm nay khám phá lục soát người ta, vạch lá tìm sâu tới ông tổ tam, tứ đại mai đây trở thành nạn nhân. Hoặc hôm nay bị nhưng ngày mai lại được. Hôm nay phanh phui người mai đây người khác phanh phui mình... Những chuyện ngủ yên trong dĩ vãng, quá khứ xa lắc vẫn được mọi người hôm nay hứng thú tìm hiểu.
ĐẬP PHÁ, ĐẬP BỎ ĐI:
Đập, đánh là THẤT SÁT. Phá là PHÁ QUÂN từ phá phách, phá hoại... đến khám phá. Cho nên PHÁ QUÂN có thể là KẺ ĐÁNH PHÁ, PHÁ HOẠI, PHÁ PHÁCH, PHÁ BỈNH, PHÁ VỞ, QUẬY PHÁ…GÂY RA TAN VỠ, ĐỔ BỂ.
Là sao chủ sự phá phách, quậy phá, chọc phá, phá rối, quấy rối đến khủng bố phá hoại gây ra tan vỡ, lộn xộn...Làm cho cuộc sống bình yên bị mất thăng bằng. Có người thì bị quấy rối tình dục, có kẻ công việc bị phá, sự việc bị phá bĩnh. Hạnh phúc bị tan vỡ. Công việc bị đổ bể, như: bể hụi, bể bạc... nói đến phá, vỡ, bể, bỏ ta phải hình dung là PHÁ QUÂN. Quan trọng cái gì cần đập phá, cái gì cần đập bỏ đi, cái gì cần đánh phá. Cho nên 2 chữ đúng, sai của TUẦN TRIỆT rất cần cho PHÁ QUÂN. Cái gì cần phá phải phá nó đi. Cái gì phá sai ta không nên phá. Có cả đúng và sai thì nên làm.
ĐÓNG MỞ, THÁO LẮP...:
Khi thấy ai đó tháo ra vật gì đó, lại lắp vào. Như mở sách ra đọc rồi xếp sách lại... những thao tác đó có liên quan đến PHÁ QUÂN. Tùy trường hợp thiên về lắp ráp và có khi thiên về tháo gỡ... Từ đó PHÁ QUÂN còn là tay thợ thủ công giỏi, còn là người tháo gỡ những khó khăn (theo nghĩa bóng) của vấn đề.
BỎ PHÍ và ĐÁNH MẤT:
GẮN BÓ và TỪ BỎ. CHÁN NẢN và THAY ĐỔI:
Gắn bó hay từ bỏ là đặc trưng của sao này. Gắn bó với công việc, với đường lối, với con người, với đồ vật... Chán chê thì PHÁ QUÂN lại bỏ, bỏ cái này thì gắn bó với cái khác.
Bỏ thằng này nó lấy thằng khác. Bỏ việc này làm việc khác. Bỏ đường lối này tìm đường lối khác. Bỏ chiếc xe này lại gắn bó với chiếc xe khác... Cứ thế mà thay đổi. Vì thế PHÁ QUÂN gây ra sự hao tán cho nên gọi là HAO TINH, ưa thay cũ đổi mới không thua gì THIÊN ĐỒNG vì PHÁ QUÂN luôn luôn nhị hợp với THIÊN CƠ, cho nên PHÁ QUÂN là ngôi sao ưa thay đổi. “Chán quá đi !” đó là lúc ngôi sao này hoạt động. Chỉ có những PHÁ QUÂN có TUẦN và ĐÀ tam hợp mới gắn bó dài lâu. Còn lại là quân tử chỉ một lúc thôi, một đoạn thôi... rồi bỏ người mà đi, hoặc bị xua đuổi phế bỏ. Thấy PHÁ QUÂN là cuộc sống dễ đâm ra lộn xộn, rối ren bởi bỏ, đổi thay... và luôn miệng kêu ca đòi hỏi sự công bằng, quân bình bị phá vỡ.
SỰ TƯƠNG ĐƯƠNG:
Ví du: Anh thương tôi thì tôi thương anh. Bánh ít trao đi bánh quy trao lại. THIÊN TƯỚNG phải tương đương với PHÁ QUÂN ở cung xung chiếu, cho nên nếu PHÁ QUÂN phá THIÊN TƯỚNG cũng phá lại, nếu PHÁ QUÂN quấn quít thương yêu thì THIÊN TƯỚNG  cũng thương yêu. Vì vậy bộ TƯỚNG PHÁ kị gặp các sao có tính đố kị như HOÁ KỊ, chống đối như  KÌNH DƯƠNG, THIÊN HÌNH. Tạo thành các cách tương kị, tương tranh, tương kình. Nhất là gặp đủ ba sao KỊ HÌNH KÌNH. Cho nên bộ sao này luôn luôn có một đối tượng trước mặt, để thương yêu, để tương tranh, để tương kình.  Vì thế còn có một nét chung, là đòi hỏi sự công bằng, quân bình. Ví du: trong các phim Bao Công ta thường nghe câu: ‘Trả lại sự công bình,...sự công bằng’. Hoặc địch đóng tại đó X quân số, thì ta cũng phải gởi đến nơi ấy 1 lực lượng tương đương. Đó là trong quân sự, trong thương mãi, người ta khuyến mãi để cạnh tranh thì mình phải có 1 tác động tương tự để sanh tồn...
PHÁ QUÂN Tý Ngọ dễ trở thành người độc thân.
Đó là trường hợp MỆNH đóng tại đó, với bản chất mau chán. Cộng với cung PHU THÊ có sao VŨ KHÚC chỉ một khúc thôi, một đoạn thôi chỉ có những cuộc tình ngắn ngủi, chưa kịp thành vợ chồng đã chán nhau rồi. Cho nên có câu:
PHÁ QUÂN Khảm, Ly cô thân độc ảnh” (Khảm là Tý, Ly là Ngọ)
Và còn là mẫu người không mấy minh bạch rõ ràng hay đuổi theo ảo vọng, rồi hay chán nản chưa kể đến tam hợp có THAM LANG bày mưu hiến kế, nhị hợp có THIÊN CƠ cật vấn hỏi han làm cho PHÁ QUÂN càng dễ bị thay đổi. PHÁ QUÂN thích thì làm, thỏa mãn sự tò mò khám phá xong thì thôi. Đeo đuổi những cái mới khác lạ. Vì thế có câu:
PHÁ QUÂN nhất diệu tính nan minh
Cho nên đừng ngạc nhiên khi thấy PHÁ QUÂN bỏ những cái tưởng chừng không thể rời ra được.
PHÁ QUÂN lý tưởng:
Một PHÁ QUÂN Tý Ngọ lý tưởng nhất có thể làm vua chúa vì tính chất ưa cầm đầu của sao này, nhất là các đại hạn kế tiếp của PHÁ QUÂN luôn có CỰ MÔN, TỬ VI toàn những sao ưa cầm đầu gặp nhau làm cho tính chất ấy dễ phát huy hiệu quả.
“PHÁ QUÂN Tí Ngọ gia quan tiến chức”
“PHÁ QUÂN Tí Ngọ vô sát quan tư thanh hiển chí Tam công”
“PHÁ tại Khảm Li tam thiếu, tam công quyền đắc trọng”
Đó là những câu phú ca ngợi PHÁ QUÂN Tý Ngọ. Là sao vượt khó khăn trở ngại để thành công, đánh phá những cái hư, cái xấu, cái cản trở của ĐÀ, cái khó khăn của KÌNH. Đi với các ngôi sao tốt đẹp vui vẻ lại hỏng cách, vô tình phá bỏ, đánh mất niềm vui.
PHÁ QUÂN cư Tí cần gặp và kị gặp:
CẦN GẶP :
KHỐC HƯ: Hợp cách, uy hùng, tăng tính táo bạo cho PHÁ QUÂN vì KHỐC HƯ có tính tàn nhẫn ở trong đó, làm cho PHÁ QUÂN thêm gan dạ. Bộ KHỐC HƯ được gọi là hay chẳng qua là nhờ PHƯỢNG CÁC tam hợp. Đó là hình ảnh một người trước hư sau nên. Tuổi trẻ hư hỏng như về sau thành đạt. (Quan Công và anh em vườn đào kết nghĩa, thoạt đầu là bọn ăn cướp, nhưng biết chuyển hướng làm ăn lưu danh muôn thuở). Khi có bộ KHỐC HƯ cần đi với bộ KÌNH ĐÀ mới hay.
TUẾ HỔ PHÙ, TANG HƯ KHÁCH:
Đi với nhóm sao này hay hơn là đi với nhóm ĐÀO HỒNG CÔ QUẢ. Trừ trường hợp Tang Binh đồng cung phải xét lại.
TUẦN, TRIỆT:
Đi với TUẦN chủ tận trung, chung thủy gắn bó dài lâu. Chủ phá đúng, phá trúng biết phá bỏ những cái cần phá, biết bỏ những cái cần bỏ. TUẦN TRIỆT là 2 sao cần thiết đối với PHÁ QUÂN. Còn chủ phòng tránh bị bắt bớ giam cầm. Hay nhất là cả 2 sao nằm chung với PHÁ QUÂN, lúc đó gọi là triệt để tuân thủ, tuân theo, từ góc độ nào cũng thấy PHÁ QUÂN có cả TUẦN TRIỆT. Từ vị trí THAM LANG hay THẤT SÁT nhìn lại cũng hưởng cách hay kể trên. Bộ sao này giúp ngăn ngừa PHÁ QUÂN làm điều bậy bạ (phòng ngừa bị bắt). Đi với vài sao tam Hóa nói lên sự thành đạt nhưng nếu thấy bộ ĐÀO KHÔNG KIẾP hay HỎA HAO KÌNH, KỴ HÌNH phải đoán là xấu. Lúc đó PHÁ QUÂN bị bắt vì gây ra tai nạn, tai họa, vi phạm luật cấm. TUẦN TRIỆT lúc đó là trọng nạn, trọng tội, bắt đúng người đúng tội, loại trừ ra, loại bỏ ra khỏi xã hội. Gọi là bị TRIỆT PHÁ như ta thường nghe “triệt phá một... băng đảng (tổ chức, đường dây...)
Tam HÓA:
PHÁ QUÂN Tý Ngọ không cần thiết có tam Hóa vì bố cục của cách này không thể có đủ bộ được. Ngoài ra PHÁ QUÂN đơn thủ chủ phá bỏ cho nên các hóa khí như Hóa LỘC chưa chắc đã hay hoặc không phù hợp với chiến binh.
HOÁ KHOA: Đi với PHÁ QUÂN hợp cách lợi cho khám phá cũng như đánh phá một cách khoa học có sao này mới hay, càng  hay hơn khi có thêm QUYỀN hay LỘC.  PHÁ QUÂN đó được quyền phá những cái cần phá. Có KÌNH ĐÀ càng thêm hay. Lúc đó mang ý những khó khăn trở ngại mà thành công. Muốn đánh chiếm một vị trí của địch ư? Đó là một bài toán khó.
XƯƠNG KHÚC: Hợp cách lợi cho giáo dục chủ tham khảo. Hay nhất là có thêm TẢ HỮU.
TẢ HỮU XƯƠNG KHÚC: Hợp cách ‘Tá quân vương’. Khi có XƯƠNG KHÚC thì không lo sợ có KHÔNG KIẾP hội họp. Không những Tá quân vương có QUYỀN KHOA còn là cao quý nhất.
“PHÁ QUÂN Tí Ngọ hội VĂN  XƯƠNG
TẢ, HỮU song song nhập miếu lang
Tài bạch phong doanh đa khẳng khái
Quan lộc chiêu tước tá quân vương...”
ĐÀ LA tam hợp: tức ĐÀ tại vị trí THAM LANG, THẤT SÁT. PHÁ QUÂN tam hợp có ĐÀ, hay đồng cung với ĐÀ, lúc ấy cả bộ SÁT PHÁ THAM đều ngộ ĐÀ. Những PHÁ QUÂN ngộ ĐÀ hay hơn dễ chịu hơn PHÁ QUÂN ngộ KÌNH. Hay nhất là hợp ĐÀ có KÌNH xung. Mang ý vì áp bức nên tôi phải chống đối, vì thuận theo lòng người nên tôi chống... ĐÀ chủ thuận theo, hướng dẫn... Trong trường hợp này có TUẦN TRIỆT rất là hay. Thành công hay thất bại tùy vào bộ Tam Hóa hay KHÔNG KIẾP KỴ HÌNH hội họp. So sánh với KÌNH ở dưới.
KỊ GẶP:
LỘC TỒN: Hội họp tức đồng cung, xung chiếu, tam hợp là “cát xứ tàng hung”, có thêm MÃ nam đa lãng đãng nữ đa dâm. PHÁ QUÂN là ngôi sao kỵ nhất với LỘC TỒN, so với CỰ MÔN ngộ LỘC TỒN còn đỡ rất nhiều. Kỵ nhất là LỘC TỒN xung, tức PHÁ QUÂN ngộ PHI LIÊM báo hiệu một tai họa “phá tan tành” chẳng còn chi cả. Các trường hợp PHÁ QUÂN đồng cung với TƯỚNG QUÂN đều ẩn tàng những tai họa rất xấu.(Cái mà các sách TỬ VI cho là nội Tướng ngoại Binh, hay nội Binh ngoại Tướng không hết lời ca ngợi ấy. Không sớm thì muộn cũng bỏ Binh, bỏ Tướng mà chạy nhưng trước khi bỏ nhau. Tướng và Quân có giai đoạn gắn bó để mà sau đó bỏ nhau vì thế mới gọi là “cát xứ tàng hung”. Cái tốt đẹp ẩn tàng tai họa. Nhớ lại ngày xưa, bản thân người viết cũng mê man theo cách này. Vậy thì “LỘC phùng xung PHÁ cát xứ tàng hung” nằm ở đâu?. Ngẫm lại thấy người xưa viết môt câu phú rất hay còn ẩn tàng nhiều ý mà không tiện nói ra, nói ra cũng chẳng ích gì. Ai muốn hiểu gì thì hiểu.
ĐÀO HOA: Chỉ gây ra sự ồn ào, ăn chơi quậy phá. Đập phá mua vui, đánh lộn thì tài, đánh giặc không dám có chăng là đào... ngũ. Đại kỵ có thêm KHÔNG KIẾP gây họa thậm chí giết người. Hoặc có bộ KỴ HÌNH chủ quậy phá vi phạm pháp luật đưa đến tù tội. PHÁ QUÂN lúc đó trở thành kẻ bị bắt.
HỎA LINH: Chủ sự bôn ba lao khổ vì bộ sao này chủ lịnh lạc khẩn cấp, làm cho PHÁ QUÂN ăn không ngon ngủ không yên, luôn luôn phải ở tư thế phải sẵn sàng. Nếu có HỎA TINH còn kỵ bộ HAO KÌNH dễ phát sinh nổi điên vì lịnh với lạc, còn kỵ bộ KHÔI VIỆT, nổi giận phát hỏa đốt bỏ, nếu có KỴ HÌNH lại là chủ bị lịnh bắt khẩn cấp. Bởi thế có câu: “Hỏa Hao ngộ PHÁ tai ương...”. PHÁ QUÂN đi với LINH hay hơn là với HỎA nhưng cũng cần có QUYỀN hay KHOA trợ lực. Nếu không cũng dễ bị bắt.
KÌNH DƯƠNG: hỗ trợ cho SÁT PHÁ làm điều bạo ngược, nhất là khi có LINH, KIẾP SÁT.
Có câu: “SÁT PHÁ hung trợ KÌNH DƯƠNG”. Sát Phá vốn là Hung tinh nay thêm KÌNH DƯƠNG như vũ khí mạnh càng thêm bạo nhất là dễ gặp KÌNH có KIẾP SÁT. Lại có thêm LINH TINH tạo thành cách KÌNH LINH (chống lịnh trên) thì việc chi chẳng dám làm. Đây là PHÁ QUÂN hung hăng nhất. Một khi KÌNH DƯƠNG đồng cung hay tam hợp với PHÁ tạo thành các cách SÁT KÌNH (tranh đoạt...) THAM KINH (tham gia chống đối...) PHÁ KÌNH (chống phá...) toàn bộ SÁT PHÁ THAM toát lên tính sát khí đằng đằng. Thành công hay thất bại, được mất do Cát tinh, Sát tinh quyết định. Xếp bộ PHÁ KÌNH vào phần Kỵ gặp có thể bất công nhưng muốn nhấn mạnh tầm nguy hiểm của bộ sao này. Bộ PHÁ KÌNH sinh ra để chống đối, chống phá đi với nhóm TUẾ HỔ PHÙ hay TANG HƯ KHÁCH còn chấp nhận được vì có liên quan đến đường lối, lập trường nhưng đi với HỒNG ĐÀO chỉ gây ồn ào vô bổ vì những tranh giành, tranh đoạt có tính cá nhân.
KHÔNG KIẾP:
Đồng cung với một trong hai sao này, hay tam hợp có KHÔNG KIẾP hội họp cũng không đáng sợ. PHÁ QUÂN có thể khám phá ra tai họa do KHÔNG KIẾP gây ra, đập tan những tai họa đó nhưng có thêm KÌNH ĐÀ hay LINH HỎA thì chưa biết ai thắng ai trong cuộc chiến này. Một PHÁ QUÂN giỏi có thể chơi với vài ba tên địch nhưng nhiều hơn con số đó là dễ mang họa vào thân. Một khi không phá nổi tai họa ắt bỏ mạng, hoặc bị bắt bớ trói buộc.
PHÁ QUÂN ngộ KHÔNG KIẾP cũng không đáng sợ bằng có thêm ĐÀO HỒNG vì PHÁ QUÂN đó gây ra tai họa rất lớn bị bắt bớ là chuyện không tránh khỏi.
HÓA KỴ: Nếu chỉ có KỴ thôi hoặc có KÌNH ĐÀ còn có thể vô hại. Chủ đừng bắt, đừng giết, đừng tham sân si lợi cho tu hành., lúc ấy Kỵ có nghĩa là “ghét” 3 cái thứ ấy. Nhưng tối kỵ gặp thêm HÌNH biến thành vi phạm pháp luật của trời cũng như luật pháp của người. Hoặc bộ KỴ KIẾP lại là nạn nhân của đố kỵ ức hiếp kèm thêm áp bức của SÁT PHÁ. Nhưng có thêm ĐÀO lại là họa lớn do bị ức hiếp thái quá chịu không nổi phản ứng lại sinh họa. PHÁ QUÂN có KY không nên gặp thêm TRIỆT. Chủ bị ghét bỏ, bị trừ bỏ.
THIÊN HÌNH: Chỉ một THIÊN HÌNH thôi chẳng có gì đáng sợ. (Chủ phá lệ như trong lễ nghi ta có thể linh động nhập 2 lễ cưới hỏi vào 1. Trong văn chương như thơ lục bát có thể làm câu 6 câu 10. Hoặc gieo vần không nhất thiết vào chữ thứ 6 câu 8 gọi là phá lệ, các thể thất ngôn bát cú đa phần làm tự do). Nhưng kỵ gặp thêm KỴ thành ra vi phạm tương tranh xung đột, kể cả gặp thêm KHÔI VIỆT  biến thành tội lớn hoặc tai họa giáng xuống, tất nhiên kỵ KHÔNG KIẾP. Nếu có HÌNH DIÊU Y lại có thêm THIÊN MÃ là ăn chơi phiêu đãng. Có HÌNH DIÊU Y đi với KHOA lợi về ngành Y KHOA. Chủ thăm khám bệnh.
KHÔI VIỆT:
Bộ sao này không thích hợp mấy với PHÁ QUÂN. Vì nó chủ bộc phát, sinh ra sự chán, bỏ, đoạt, giết, ham muốn. Nếu thấy KHÔI VIỆT gia thêm XƯƠNG KHÚC lợi cho văn học, học vấn. Có KHÔI VIỆT  rất kỵ gặp thêm LINH HỎA, HÌNH, KHÔNG KIẾP. Nó chủ bộc phát tai họa to thêm ra mà thôi. Nếu có bộ VIỆT KÌNH chủ bôn ba đó đây.
Phần viết về Cần và Kỵ gặp có thể đem áp dụng vào Hạn có PHÁ QUÂN Tý Ngọ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét